Người xưa nói kinh doanh phải có đạo đức thì mới lâu bền. Chữ tâm là một nội hàm quan trọng trong đạo đức, vì thế khuyên con người làm gì cũng phải có tâm, phải dụng tâm thì mới thành. Người kinh doanh giàu có phải có tâm đức mới được nể trọng và là điều mong mỏi của xã hội.
Đạo đức kinh doanh
Ngày nay chúng ta đã chứng kiến những người giàu có nhất trên thế giới đang lập những quỹ từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Nhiều người giàu còn hiến toàn bộ, hoặc phần lớn tài sản cho từ thiện. Điều ấy đã nói lên rằng, kiếm tiền không phải là mục đích tối hậu của các doanh nhân, mà kiếm tiền sao cho có đạo đức, có nhân văn, minh bạch, chính đáng.
Khi có “tâm”, người kinh doanh sẽ biết tôn trọng luật pháp, không dùng thủ đoạn thấp hèn để cạnh tranh trục lợi, sẽ nghĩ đến lợi ích của khách hàng, đặt khách hàng lên vị trí hàng đầu, như thế thì kinh doanh mới có uy tín dài lâu và xã hội cũng sẽ hưởng lợi từ đó như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thêm các sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt.
Xây dựng thương hiệu bằng chính sự chân thật trong kinh doanh
Chân thật trong kinh doanh được hiểu là không lừa dối trong kinh doanh, không bơm phồng các giá trị ảo trong quảng cáo, chân thật trong những gì cam kết. Chân thật là cách tốt nhất để giữ hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng đang có cũng như các khách hàng tiềm năng.
Việc đảm bảo cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho thị trường sẽ làm cho khả năng tiêu thụ bền vững, đây cũng chính là thể hiện chân thật thực sự của doanh nghiệp. Nếu làm ăn giả dối đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng chỉ để lại trong tâm trí người tiêu dùng một ám ảnh không tốt về doanh nghiệp, sẽ tự mình loại trừ và đào thải mình ra khỏi thị trường vốn luôn có sự cạnh tranh.